Hôm nay 24.8, 122 ngư dân VN trên 7 tàu cá bị bắt hôm 30.5.2011 tại vùng biển Palawan, miền tây Philippines, ra tòa với cáo buộc xâm nhập trái phép vùng biển nước bạn. Đằng sau vụ này là nỗi oan và nhiều vấn đề cần cảnh giác.
Chỉ vì cả tinChiếc xích lô máy cũ kỹ ì ạch chở 4 người chúng tôi rẽ trái rồi quẹo phải qua những con đường tối om của thủ phủ Puerto Princesa, tỉnh Palawan. Cuối cùng, nó dừng lại gần cuối một con hẻm cụt nằm trong khu Cảng hải quân, nơi có 7 con tàu VN bị neo giữ. Trong một lán nhỏ bằng ván ghép chỉ có mái che, 7 thuyền trưởng nhìn ra những chiếc tàu, rồi khắc khoải hướng về một nơi xa lắm...
Họ gồm các anh Nguyễn Xuân Nông, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Chánh, Trần Hút, Đặng Thanh Tâm, Phạm Hồng và Đỗ Thanh Hảo, lần lượt là thuyền trưởng của các tàu BTH - 98693/ 98079/ 99924/ 99668/ 98630/ 99367/ 98709 - TS của tỉnh Bình Thuận. Có vài người vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ tàu. “Toàn là tàu mới đóng hoặc mới được nâng cấp, trị giá 2,5 đến 3,5 tỉ đồng một chiếc”, các anh cho hay.
Con đường dẫn họ và những chiếc tàu mới toanh này đến vùng bị giam cầm khởi đầu bằng một hợp đồng (HĐ) kinh tế được ký ngày 12.2.2011. HĐ do đại diện của các chủ tàu, ông Phan Văn Thoại, chủ DNTN Long Hải Long có văn phòng tại TP.HCM, ký với ông Kho Tho Min, người Malaysia, đại diện cho Premiere International Interfishing Corp. (PII Corp.) của Philippines có trụ sở tại Palawan. Theo đó, mỗi chủ tàu đã nộp cho PII Corp hơn 23.000 USD phí môi giới và phí vận hành để công ty này xin giùm giấy phép đánh cá trong vùng biển của Philippines. HĐ có thời hạn tối thiểu là 3 năm, sau mỗi năm chủ tàu phải nộp các khoản phí gia hạn giấy phép đánh bắt và lệ phí thuyền viên.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, thân thế của ông Kho lẫn uy tín của PII Corp. có nhiều điều cần làm rõ; các điều khoản trong bản HĐ tiếng Anh dài 9 trang có nhiều điểm bất lợi cho phía chủ tàu; trong khi sự thật của việc xin giấy phép cho tàu nước ngoài đánh bắt trong vùng biển Philippines lại càng mơ hồ.
115 ngư dân tại nhà tù tỉnh Palawan - Ảnh: Thục Minh
Các chủ tàu được ông Kho, thông qua ông Thoại, hướng dẫn sơn lại tàu theo màu sắc và hoa văn của Philippines, đồng thời vẽ lại biển số mới lần lượt là Z-M 001... Z-M 007. “Tàu nào cũng phải đắp thêm một lớp composite và sơn vẽ lại toàn bộ. Chi phí đến 100 triệu đồng/tàu”, thuyền trưởng Trần Hút nói.
Ngày 16.5, 7 con tàu cùng 122 thuyền viên giong buồm ra khơi và hướng về đảo Palawan. Hành trang họ có trong tay là bản HĐ ngày 12.2 và vài tờ giấy với nội dung mơ hồ, được nói là do các cơ quan chức năng Philippines cấp và lời hứa sẽ có người đón rước khi cập bến Palawan.
Chừng 10 giờ 30 phút sáng 30.5 (giờ địa phương), 7 con tàu mang cờ và số hiệu Philippines xuất hiện cách bờ biển Sitio Tamburok, huyện Balabac của tỉnh Palawan chỉ 2 hải lý. Thay vì được phía đối tác đón như đã hứa, đoàn tàu lại được “nghênh tiếp” bằng một lực lượng bảo vệ biển hùng hậu của phía bạn, gồm hải quân, cơ quan quản lý hàng hải quốc gia và tỉnh, lực lượng tuần duyên…
Những ngày dài vô vị
Theo một tài liệu từ văn phòng công tố tỉnh Palawan mà PV Thanh Niên tiếp cận được, những ngư dân ta bị bắt theo điều 87, Bộ luật R.A 8550. Điều khoản này cho phép giả định rằng một tàu cá nước ngoài có mặt bất cứ lúc nào trong vùng biển Philippines đều tham gia hoạt động đánh cá. Ngay ngày 31.5, hai tàu hải quân PG392 và LT507 của Philippines kè sát và đưa 7 tàu cá về thủ phủ Puerto Princesa để nghị tội.
Sau nửa tháng ở trên tàu, dưới sự giám sát của hải quân nước bạn, các thuyền viên bị đưa vào nhà tù tỉnh Palawan, riêng 22 người được ở lại để trông coi tàu neo đậu ở cảng hải quân. Sau đó, phía bạn lại yêu cầu giam tất cả, buộc lòng phía VN phải bảo lãnh tại ngoại 7 thuyền trưởng với số tiền 30.000 peso (khoảng 15 triệu đồng)/người.
Anh Đỗ Thanh Hảo, chủ tàu BTH 98709 - TS, dẫn tôi đi xem căn phòng các anh thuê mỗi tháng 2.500 peso (khoảng 1,25 triệu đồng)/tháng trong khu nhà trọ có cái tên thật sang - Bayview Lodge. Phòng rộng chừng 20m2, thấp tẹt, sàn nhà lót simili nóng bức, bẩn thỉu. Trong phòng trống trơn, không có gì ngoài chiếc quạt máy đã hỏng. Các anh dùng nơi này để nấu ăn, còn sinh hoạt, ngủ nghỉ thì bên ngoài sàn gỗ. “May là bữa giờ không có khách. Chủ nhà cho sử dụng cái sàn này. Có khách là tụi mình phải vào cái phòng đó”, các anh chia sẻ và thì thầm hỏi nhỏ phóng viên: “Liệu bao giờ thì tụi anh có thể về nước hả em?”. Tôi chỉ biết ngậm ngùi.
Nhưng được ở ngoài như các anh còn đỡ! 115 anh em còn lại phải chen chúc trong căn phòng rộng chừng 5x15m của nhà tù. Tuy không quá bó buộc, nhưng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và chật chội đã khiến một số người ngã bệnh. Khi đoàn công tác của Đại sứ quán VN từ Manila xuống thăm, mọi người mừng lắm. Ngư dân Trần Văn Tịnh chia sẻ: “Ở đây ngày cứ dài dằng dặc. Em chỉ mong sớm được về quê”.
Theo lịch, 2 giờ chiều hôm nay, phiên tòa công khai đầu tiên xét xử 122 ngư dân được mở tại Tòa án tỉnh Palawan, chi nhánh 51 ở thủ phủ Puerto Princesa. Các ngư dân VN sẽ có luật sư (LS) mới do văn phòng công tố giới thiệu, thay cho LS Arnulfo L.Tagle do Công ty PII Corp thuê. Nữ LS Maricar Misa Tan sẽ bào chữa miễn phí cho ngư dân sau khi có thư của đại sứ quán yêu cầu giúp đỡ đối tượng khó khăn. Đại sứ quán cũng đã trao đổi với bà Tan hướng bào chữa để ngư dân có thể được xong án sớm nhất.Thân nhân lo lắng
Những ngày qua, nhiều người thân của 122 ngư dân từ xã Long Hải (đảo Phú Quý) rất lo lắng và hồi hộp đợi chờ phán quyết của tòa án nước bạn. Chị Nguyễn Thị Phú (42 tuổi) đứng ngồi không yên khi 2 em ruột là Nguyễn Thanh Nhàn và Nguyễn Văn Thành (cả 2 là thuyền viên) cùng người con ruột Văn Thành Sỹ (máy trưởng) bị bắt giữ trên tàu cá BTh- 98079 TS. Chị Phú nói: “Ở nhà, gia đình chạy từng đồng trả lãi ngân hàng và còm cõi kiếm cái ăn cho mấy đứa trẻ...”.
Tương tự, ông Nguyễn Nhũ, cha ruột của anh Nguyễn Văn Nam (đi trên tàu BTh- 99668 TS) cũng rất sốt ruột. Ông Nhũ nói: “Con tôi đi đánh bắt có hợp đồng với Công ty Long Hải Long. Bản thân gia đình tôi đã nộp lệ phí cho Long Hải Long mấy trăm triệu đồng (23.000 USD/ tàu - PV), nhưng nay lại có kết cục thế này. Mong sao, tòa hiểu được ngư dân không vi phạm, mà chỉ bị ai đó lừa đảo và tha bổng cho họ đồng thời trả lại phương tiện cho bà con về nước làm ăn”.